COVID-19 xuất hiện không chỉ làm thay đổi những nếp sống thường nhật mà còn tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của chúng ta khi phải nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc và học tập hoàn toàn trực tuyến. Bên cạnh đó, những áp lực về học tập, thi cử hay phải đối mặt với lượng thông tin không mấy khả quan về diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động rất lớn tâm lý của chúng ta. Thấu hiểu những khó khăn, trở ngại về tinh thần mà các bạn gặp phải, đồng thời mong muốn đồng hành cùng sinh viên vượt qua đại dịch COVID-19, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Chương tư vấn tâm lý mùa dịch số đầu tiên, với chủ đề: “Cân bằng cuộc sống và công việc thời COVID-19”.
Chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch số đầu tiên được phát trực tiếp vào lúc 19h00 ngày 31/7/2021 thông qua phần mềm Zoom và Fanpage Trường Đại học Luật TP.HCM. Chương trình lần này có sự tham gia của TS. Tô Nhi A – Giảng viên tâm lý – giáo dục, Ủy viên Hội đồng khoa học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương TP.Hồ Chí Minh; ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên - Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn Trường Đại học Luật TP.HCM cùng với MC. ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải – Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM.
Dịch bệnh làm chúng ta mất cân bằng
Thuật ngữ “Cân bằng cuộc sống và công việc” (Work - Life balance) thường được hiểu là nhu cầu cân bằng của một cá nhân giữa công việc (nghề nghiệp) hàng ngày và các khía cạnh khác trong cuộc sống (gia đình, bạn bè, thú vui, v.v.). Hiện nay, chủ đề này đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội khi nói về sức khỏe tâm lý trong mùa dịch, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận về lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng của bản thân.
Theo TS. Tô Nhi A thì mỗi người chúng ta đều có những tính xấu, các suy nghĩ tiêu cực nhưng vì hàng ngày, chúng ta làm việc, ra ngoài để giải khuây nên những suy nghĩ tiêu cực ấy không lấn chiếm và làm ảnh hưởng đến chúng ta quá nhiều. Thế nhưng, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, làm chúng ta phải ở nhà nhiều hơn, từ đó có nhiều thời gian để suy nghĩ về mọi việc tiêu cực hơn, nên đâm ra buồn chán, lười biếng. Chúng ta “đổ thừa” cho dịch bệnh, nhưng thực chất việc này đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các thông tin một cách thụ động về tình hình dịch bệnh, càng làm bản thân mỗi người thêm chán nản, mất niềm tin và gây ra hiện tượng “mất cân bằng cuộc sống”.
TS. Tô Nhi A cũng có đưa ra các bước trong chuyển đổi hành vi bao gồm: Chưa nhận thức được vấn đề; Nhận thức được vấn đề và hành vi mong đợi; Chuẩn bị hành động để thay đổi; Hành động để thay đổi và Duy trì hành vi mới, giải tỏa các khó khăn. Tuy nhiên, bản thân chúng ta luôn “gãy đổ” giữa chừng, luôn hoài nghi chính mình, đánh giá thấp bản thân và rồi làm giảm giá trị hành vi bản thân.
Việc hôm nay chớ để ngày mai
Một quan điểm được cả TS. Tô Nhi A và ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên đều đồng tình và muốn các bạn sinh viên trong và ngoài trường nên ghi nhớ, đó là “Khi không thay đổi được hoàn cảnh thì ta thay đổi thái độ”.
Vì dịch bệnh hiện nay, việc học tập và làm việc trực tuyến là một công việc không thể thay đổi mà bản thân mỗi người phải thích ứng với điều này. Thế nhưng, nhiều người chia sẻ về việc không thể tập trung vào công việc cũng như dành cả ngày cho những công việc không thiết yếu, từ đó làm bản thân trì hoãn, chậm trễ công việc, và rồi đổ lỗi cho dịch bệnh. Theo ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên thì nhận thức, suy nghĩ của mỗi người luôn khởi động, không được trì hoãn, hãy nghĩ đến những ước mơ của mình mà thay đổi bản thân từng ngày và biến ước mơ ấy thành sự thật. Trong thời gian giãn cách này, đặc biệt là sinh viên, càng phải biết thay đổi bản thân theo những hướng tích cực hơn. Những bạn sinh viên trước dịch là những “mọt sách” thì lúc này là thời điểm để các bạn học tập, phát triển các kỹ năng mềm. Hay những bạn sinh viên, có kỹ năng mềm, lanh lợi, nhưng điểm học tập còn kém thì mùa dịch này, các bạn hãy học tập, trau dồi kiến thức, vậy là bản thân bạn sau dịch vừa có kiến thức vừa có những kỹ năng cần thiết sau này cho công việc.
TS. Tô Nhi A nhấn mạnh rằng, các bạn sinh viên phải kỷ luật đối với bản thân để bản thân không còn trì hoãn nữa. TS. Tô Nhi A cho rằng trì hoãn sinh ra vì chúng ta tiếp nhận thông tin trì hoãn ấy, đặc biệt, trong mùa dịch này, nhiều doanh nghiệp, công ty, trường học phải dừng mọi hoạt động, nhiều người không làm việc, bản thân mình thấy thế cũng viện cớ “ai cũng không làm việc, vậy mình cũng thế” và tiếp tục trì hoãn. Bệnh lười, trì hoãn xuất phát từ bản thân mình nên chính mình phải tự thay đổi, mỗi ngày lập mục tiêu cho bản thân, cố gắng hoàn thành thật tốt và thưởng cho bản thân một món quà gì đấy, sẽ giúp mình có thái độ khác trong mọi việc.
Tách bạch nỗi lo âu
Việc mỗi người luôn có những nỗi lo trong người là một việc hết sức bình thường, nhưng chúng ta không được nuôi dưỡng chúng, mà phải có động thái cụ thể để không làm nỗi lo âu đó tăng lên, dẫn đến một số bệnh liên quan đến tâm lý con người.
TS. Tô Nhi A phân tích về một sinh viên năm ba của Trường Đại học Luật TP.HCM thì sẽ có những nỗi lo gì: Vấn đề thực phẩm trong mùa dịch; Học tập trực tuyến không hiệu quả đối với bản thân; Nơi thực tập hay đơn giản là Bản thân có thuộc đối tượng được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 không, tiêm về sẽ như thế nào. Bản thân có vô cùng nhiều nỗi lo như thế, nếu để im, chúng sẽ trở thành một mớ hỗn độn và làm bản thân “xấu đi” từng ngày. Việc phân tách từng nỗi lo như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng tìm các giải pháp, giải quyết cho từng nỗi lo, đồng thời có thể dễ dàng buông bỏ những vấn đề không thích hợp hiện nay, từ đó dành thời gian cho những công việc cần thiết.
Chương trình diễn ra với phần trình bày của các khách mời xoay quanh các vấn đề về sự trì hoãn, mất cân bằng của bản thân, nỗi lo âu trong mùa dịch hay những thay đổi bất ngờ về tâm trạng. Thông qua đó, các khách mời đã giúp các bạn sinh viên tìm lại được bản thân, xây dựng tâm thế làm việc tốt nhất và đặc biệt là các cách để học tập, làm việc và lấy lại cân bằng trong mùa dịch này. Mỗi người đều có một kịch bản, kế hoạch khác nhau, tuy nhiên đều có 24 giờ một ngày giống nhau, vì vậy, chúng ta cần phải tiếp nhận các thông tin, kỷ luật với bản thân, làm việc, học tập một các hiệu quả để 24 giờ trôi qua đều ý nghĩa.
Tác giả bài viết: Hương Quỳnh – Lê Tiến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đề cương tuyên truyền Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Lượt xem:144 | lượt tải:46Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:3325 | lượt tải:729Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Lượt xem:2302 | lượt tải:206Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:2583 | lượt tải:204