Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 09 năm 2016

Thứ ba - 06/09/2016 07:49
Căn cứ vào tài liệu của Ban tuyên giáo Trung ương:
Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 09 năm 2016
TÀI LIỆU PHỤC VỤ SINH HOẠT CHI BỘ
THÁNG 9 NĂM 2016
 
  • THÔNG TIN TRONG NƯỚC
1. MỘT SỐ KẾT QUẢ QUAN TRỌNG KỲ HỌP THỨ NHẤT QUỐC HỘI KHÓA XIV
Sau 8 ngày làm việc (từ ngày 20 đến 29/7/2016), với tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp. Tại Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước:
(1) Xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục (theo quy định của pháp luật):
- Bầu Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm: Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, và 13 Ủy viên; bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán nhà nước.
- Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Bầu Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm 05 Phó Thủ tướng Chính phủ (01 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), 17 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện thủ tục tuyên thệ, thể hiện mạnh mẽ sự quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
(2) Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 của Chính phủ; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và đặc biệt lưu ý Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.
(3) Trên cơ sở phân tích kỹ tình hình thực tế những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã quyết định Chương trình hoạt động giám sát năm 2017 với hai chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”, đồng thời quyết định thành lập Đoàn giám sát để tiến hành giám sát hai chuyên đề đã được lựa chọn.
(4) Đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng các đề nghị, kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh và thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Trong đó, Quốc hội xác định về thứ tự ưu tiên các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, đảm bảo tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần đưa đất nước phát triển toàn diện, vững chắc, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
 
2. CHÍNH PHỦ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO CƠN BÃO SỐ 1, 2 và 3 GÂY RA
Cơn bão số 1, hoàn lưu cơn bão số 2 và cơn bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống lưới điện, đường giao thông, nhà cửa và cây xanh. Tính đến ngày 31/7/2016, bão số 1 đã làm 4 người chết, 3 người mất tích và 21 người bị thương, 16.808 cột điện bị gãy, đổ (riêng Nam Định 14.200 cột); 32.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 5.620 nhà bị ngập nước, 88 nhà bị sập hoàn toàn; 215.000 ha lúa bị ngập úng, hơn 15.000 ha cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị phá huỷ, 60.000 cây xanh bị đổ, gãy; gần 80.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 91 tàu thuyền bị nhấn chìm, hư hỏng, gần 13.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản với gần 9.000 ha bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 3.400 tỉ đồng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 05/8/2016, mưa lũ, sạt lở đất do hoàn lưu cơn bão số 2, đã làm chết 3 người, mất tích 7 người (Sa Pa 1 người, Bát Xát 6 người) và làm 1 người bị thương nặng. Mưa lũ cũng làm sập đổ hoàn toàn 8 ngôi nhà; làm ngập 450 ngôi nhà và làm tốc mái 185 ngôi nhà. Ngoài ra, mưa lũ làm thiệt hại 400,23 ha hoa màu, 8,8 ha rừng gãy đổ và 15 ha ao nuôi thủy sản bị vỡ…
Về cơn bão số 3, tính đến ngày 20/8/2016, mưa lớn và hoàn lưu bão số 3 gây ra đã làm 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương; 13 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; hơn 500 nhà bị tốc mái, hư hại, ngập nước. Khoảng 5.844 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 595 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 251 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ và 63 cột điện bị gãy, đổ.
Ngay sau mỗi cơn bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã sớm chỉ đạo và trực tiếp đi thị sát thực tế, chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục các hậu quả do mưa bão, lũ gây ra, cụ thể là:
(1) Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai huy động mọi lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm, cứu nạn người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ, cứu chữa người bị thương, mai tang chu đáo cho người thiệt mạng; bố trí chỗ tạm cho các hộ bị mất nhà cửa, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói…
(2) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cùng các địa phương tập trung cao về nhân lực, vật lực để tiêu úng kịp thời cho khoảng 11.000 ha lúa vẫn còn đang bị ngập sâu; triển khai phương án gieo trồng bổ sung đối với diện tích lúa bị thiệt hại, tinh thần là không được để đất trống; tập trung khắc phục diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khoảng 2.200 ha diện tích nuôi ngao của tỉnh Thái Bình, Nam Định; giao Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định khẩn trương lập phương án xử lý khẩn cấp đảm bảo an toàn cho tuyến đê hữu sông Hồng thuộc huyện Nam Trực tỉnh Nam Định.
(3) Chính phủ xuất quỹ dự phòng quốc gia để hỗ trợ cho 4 tỉnh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình) 620 tấn lúa giống, 230 tấn ngô giống và 24 tấn hạt rau.
(4) Yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực, khắc phục nhanh hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt cho người dân vùng ảnh hưởng của bão.
(5) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan có liên quan sớm tổng kết, rút kinh nghiệm về cơn bão số 1,2 và 3, đánh giá cụ thể những mặt được, chưa được trong công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, chỉ đạo, ứng phó để kịp thời khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao năng lực dự báo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, sát với thực tế nhất là trong những tình huống thiên tai diễn biến bất thường, phức tạp.
 
3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN
Những năm gần đây, sự phát triển khoa học - công nghệ ở Việt Nam đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, nhất là các tiện ích mang lại từ internet, máy tính, điện thoại di dộng. Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam có 120.607.726 thuê bao di động, có 36,28 triệu thêu bao internet băng thông rộng, tỷ lệ người dùng Internet đạt 52% dân số. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, các cuộc tấn công, xâm nhập trái phép vào hệ thống mạng của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để phá hoại hoặc thu thập lấy cắp thông tin ngày càng gia tăng. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), từ tháng 12-2014 đến tháng 12-2015, đã có 31.585 sự cố an ninh thông tin tại Việt Nam, gồm 5.898 sự cố tấn công lừa đảo, 8.850 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 16.837 sự cố cài mã độc. Mới đây nhất, ngày 29/7/2016, Hacker đã tấn công hệ thống công nghệ thông tin của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, chiếm quyền kiểm soát trang mạng chính thức của Vietnam Airlines và chuyển sang trang mạng xấu ở nước ngoài. Dữ liệu của trên 400.000 hội viên khách hàng thường xuyên của Vietnam Airlines đã bị công bố.
Để công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin có hiệu quả hơn, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng của toàn xã hội, trực tiếp là các cá nhân, tổ chức sử dụng internet trong giao dịch.
Thứ hai, các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin tăng cường công tác dự báo, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những đợt tấn công của tin tặc vào Việt Nam; VNCERT cần đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, cần có biện pháp hỗ trợ trực tuyến 24/24 giờ tới các bộ, ngành từ Trung ương và địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời những nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua internet, bảo đảm an ninh quốc gia.
Thứ ba, Chính phủ tập trung ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện để lĩnh vực khoa học công nghệ cao của nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khâu làm chủ hệ thống mạng, thiết bị công nghệ cao nhằm kiểm soát tốt những nguy cơ gây hại có thể xảy ra.
Thứ tư, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
 
4. MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ NĂM 2015
- Về quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước: Năm 2015, cả nước có 13.705 dự án có kế hoạch lập hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, đã được thẩm định 12.470 dự án (đạt 91% so với kế hoạch), được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương là 10.755 dự án (đạt 78,5% so với kế hoạch).
Có 29.506 dự án thực hiện đầu tư; 12.491 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng (chiếm 42,3% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ); 926 dự án chậm tiến độ (chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ); 1.106 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh (chiếm 3,8% tổng số dự án thực hiện trong kỳ).
Trong năm 2015, kế hoạch vốn nhà nước cho các cơ quan là 523.687 tỉ đồng, đã bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản 26.696 tỉ đồng (số nợ đọng còn lại là 39.951 tỉ đồng), còn thực hiện đầu tư là 496.991 tỉ đồng; tổng khối lượng đầu tư thực hiện là 490.696 tỉ đồng (đạt 98,8% so với kế hoạch).
- Về quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP): Có 161 dự án theo hình thức PPP thực hiện các thủ tục đề xuất dự án; 80 dự án có quyết định đầu tư, 77 dự án hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, 49 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 45 dự án hoàn tất thủ tục về Hợp đồng dự án. Tổng vốn đầu tư của các dự án PPP theo kế hoạch là 97.952 tỉ đồng; tổng giá trị thực hiện là 51.406 tỉ đồng (đạt 52,5% so với kế hoạch).
- Về quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác: Có 2.460 dự án nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư, 2.190 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 1.052 dự án được điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Số dự án thực hiện đầu tư trong năm là 3.592 dự án; tổng vốn đầu tư đăng ký là 506.495 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 172.742 tỉ đồng (đạt 34%).
- Về giám sát đầu tư của cộng đồng: Có 10.861 dự án đã được cộng đồng giám sát, trong đó có 261 dự án có phát hiện vi phạm; 1.413 dự án chưa được cộng đồng giám sát, trong đó có 611 dự án do các cơ quan, chủ đầu tư chưa công khai thông tin.
- Về công tác giám sát, đánh giá đầu tư: Có 24.849 dự án trên tổng số 29.506 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư (đạt tỉ lệ 84,2%); các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 10.380 dự án (chiếm 35,2% tổng số dự án thực biện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 8.843 dự án (chiếm 30% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ).
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện quản lý đầu tư và công tác giám sát, đánh giá đầu tư năm 2015 còn một số hạn chế, tồn tại: Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, song nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, tỉ lệ các dự án phải điều chỉnh còn khá cao. Tỉ lệ thực hiện vốn đầu tư và số dự án hoàn thành các thủ tục quyết toán trong thời gian qua còn thấp. Một số địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản chưa thanh toán tương đối cao (từ 1.067 - 5.711 tỉ đồng). Công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư các dự án từ các nguồn vốn khác còn hạn chế. Chất lượng báo cáo của một số chủ đầu tư gửi đến các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức. Một số cơ quan chưa cập nhật được thông tin tổng hợp trên Hệ thống thông tin. Một số nghị định, hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2015 chưa được ban hành kịp thời cũng đã phần nào ảnh hưởng tới việc đầu tư.
  • THÔNG TIN THẾ GIỚI
1. PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI VỤ PHI-LIP-PIN KIỆN TRUNG QUỐC CÓ TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN NƯỚC TA.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện. Sự việc này đã tác động rất lớn đến nước ta:
- Những tác động tích cực.
 Thứ nhất, Phán quyết của Tòa đã thu hẹp các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông. Giá trị lớn nhất của Phán quyết là bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Phán quyết đã mang lại cho Việt Nam nhiều thuận lợi, bởi cái gọi là “đường lưỡi bò” và qui chế cấu trúc các đảo, đá mà Trung Quốc dựa vào đó làm cái cớ để đòi quyền lợi đã bị Tòa bác bỏ; và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng hợp pháp của Việt Nam được Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) công nhận. Việt Nam có căn cứ pháp lý để đấu tranh và tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài với một số thực thể mà Phi-líp-pin đề xuất cũng góp phần thu hẹp tranh chấp và gợi mở cho các bên tiếp tục công cuộc đấu tranh loại bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc tự đặt ra bằng con đường pháp lý. Bởi lẽ, để hiện thực hóa đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Sca-bô-râu và bãi ngầm Macclesfield.
 Thứ ba, Phán quyết đã tạo thêm căn cứ pháp lý vững chắc, góp phần củng cố niềm tin chiến lược giữa các quốc gia trong ASEAN đã từng bị rạn nứt trước sức ép của Trung Quốc; đồng thời giúp cho quá trình đàm phán để ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có thể vượt qua được trở ngại khi bàn đến phạm vi áp dụng của COC mà rào cản chính là sự tồn tại của yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.
- Những tác động tiêu cực: Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết, Trung Quốc đã ra tuyên bố không chấp nhận Phán quyết và đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động gây hấn cả trên phương diện ngoại giao lẫn ngoài thực địa để tìm cách vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa. Vì vậy, điều này, có thể gây cho chúng ta những tình huống phức tạp sau:
Về đối nội: Các thế lực chống đối, phần tử cực đoan đã và đang khai thác sự kiện này để kích động dư luận, gây chia rẽ nội bộ với các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Về đối ngoại: Việt Nam là nước trong khối ASEAN có tuyên bố sớm nhất của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngay sau khi Tòa Trọng tài công bố Phán quyết, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tuyên bố này đã thể hiện lập trường nhất quán, trước sau như một của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cố tình xuyên tạc, kích động, cho rằng Việt Nam và Trung Quốc “ngầm thỏa thuận” để không đẩy nóng và làm căng thẳng tình hình Biển Đông, không để cho Mỹ có cơ hội can thiệp.
Trên thực địa, Trung Quốc đang gia tăng nhiều hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông như: ngăn cản hoạt động của ngư dân Việt Nam; triển khai tập trận quy mô lớn, đưa nhiều máy bay tàu chiến xuống Biển Đông; tạo hiệu ứng bức xúc trong dư luận… Đây là những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối phó.
 
2. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Trung Quốc công khai nhiều tuyên bố phi lý về chủ quyền của họ tại Biển Đông: Cơ quan Dữ liệu biển Quốc gia và Dịch vụ thông tin (NMDIS) Trung Quốc  đã công khai một trang web gồm 10 mục chứa các tư liệu và bản đồ không chính xác về Biển Đông nhằm tuyên truyền sai lệch về cái gọi là “sự thật về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông”. Trước sự việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việc làm này của phía Trung Quốc không thể thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Sau Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc, ngày 01/8/2016, Trung Quốc thông báo đã hoàn thành xây dựng một nghĩa trang trên đảo Quang Hòa Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm tưởng niệm “18 liệt sỹ Trung Quốc hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974” (theo cách gọi của Trung Quốc). Đáng chú ý là, nghĩa trang có dựng bia tưởng niệm cao 9,8m, phía sau ghi lại trận chiến Hoàng Sa “ngày 19/1/1974 chính quyền Việt Nam lúc đó đã bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, đã cho tàu chiến và máy bay xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, quân đội Trung Quốc ngay lập tức phản kích tự vệ, bắn chìm 01 tàu hộ vệ và bắn làm hư 03 tàu khu trục của phía Việt Nam, thu hồi 3 đảo”. Về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa dù dưới bất kỳ mục đích gì đều là phi pháp và không làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
- Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 và các hội nghị liên quan tổ chức từ ngày 03 đến 06/8/2016 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Đây là sự kiện thường niên quan trọng để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Canada, Hồng Công) trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác; chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28, 29 và các hội nghị liên quan vào tháng 9 tới, nhằm triển khai lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (thành lập ngày 31/12/2015).
Các nước trong khối ASEAN đã tập trung xem xét và thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế, gồm có: Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN; Khuôn khổ Quản lý an toàn thực phẩm ASEAN; Khuôn khổ thể chế ASEAN về tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Chương trình làm việc về khởi nghiệp trong ASEAN; Chỉ dẫn phát triển và phối hợp về đặc khu kinh tế;…
Tại Hội nghị, Việt Nam cùng các nước Campuchia, Lào, Myanma đã thống nhất Kế hoạch hành động chung giai đoạn 2017-2018 và xem xét xây dựng Chiến lược tổng thể về phát triển CLMV (bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanma) dài hạn. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác khu vực giữa các nước tiểu vùng sông Mekong và Nhật Bản nhằm tăng cường kết nối kinh tế, tạo ra các khu vực kinh tế tiểu vùng có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của nhiều tỉnh và thành phố của Việt Nam ở khu vực miền Trung và Nam Bộ Việt Nam.
 
3. MỸ LỰA CHỌN CHÍNH SÁCH CHIẾN LƯỢC NÀO Ở BIỂN ĐÔNG
Thứ nhất,tăng cường và mở rộng sự minh bạch hàng hải ở Biển Đông: Mỹ, đồng minh và các đối tác gia tăng sự hiện diện nhằm thể hiện rõ Biển Đông là một vùng biển quốc tế mở đối với tất cả các quốc gia; hỗ trợ về lĩnh vực hàng hải cho các nước trong khu vực nhằm tạo điều kiện cho việc định vị, quá cảnh an toàn, tìm kiếm và cứu nạn, đối phó với thảm họa thiên nhiên khi xảy ra.
Thứ hai,tiếp tục gia tăng sự hỗ trợ về quân sự và sự hiện diện của Mỹ tại Philippin: Phối hợp quân sự và các cuộc tập trận chung Mỹ- Philippin nhằm đảm bảo lực lượng Hải quân Mỹ và Philippin có thể đổ bộ nhanh nhất vào quần đảo Palawan, khu vực tiếp giáp với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất tại các căn cứ quân sự mà cả hai nước có thể sử dụng khi có xung đột.
Thứ ba, đẩy mạnh quan hệ quân sự với Việt Nam: Quan hệ song phương Mỹ-Việt được cải thiện trong những năm gần đây. Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam (tháng 5/2016) và các chuyến thăm cảng Việt Nam của tàu Hải quân quân đội Mỹ gần đây thể hiện sự tăng cường quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam.
Thứ tư, duy trì sự hiện diện Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ cũng như của các nước khác tại Biển Đông: Trung Quốc đã và đang sử dụng tàu thương mại và tàu tuần tra biển để củng cố chủ quyền của họ và đe dọa các nước láng giềng tại Biển Đông trong nhiều năm thay vì sử dụng các tàu hải quân. Vì vậy, Mỹ và các đối tác sẽ tăng cường triển khai lực lượng này.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông: Định kỳ tuần tra Biển Đông bằng tàu sân bay lớp Nimitz và tàu sân bay có thể đỗ trên cạn với mức độ thường xuyên hơn; tăng cường các hoạt động do thám trên các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; giảm nguy cơ gia tăng căng thẳng quân sự bằng việc khuyến khích sự tham gia của quốc tế và thông báo trước về các hoạt động này. Động thái này của Mỹ nhằm bảo đảm khả năng tấn công nhanh của Mỹ trong trường hợp có xung đột, có thể làm đối trọng với các trang thiết bị của Trung Quốc được xây dựng trên các đảo nhân tạo.
Thứ sáu, xây dựng các căn cứ quân sự di động trên Biển Đông: Mỹ có thể phản ứng với việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo bằng cách xây dựng những căn cứ quân sự di động tạm thời, kiểu như ESB, JMOB (tương tự như các giàn khoan nổi liên kết lại với nhau) để có thể hỗ trợ nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong đó có các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển và tạo điều kiện cho Hải quân Mỹ có được khả năng nhanh chóng triển khai lực lượng trong khu vực nếu có xung đột.
Hiện nay, tình hình Biển Đông đã có những diễn biến rất phức tạp và nếu không được quản lý, xử lý đúng sẽ làm tăng rủi ro, dẫn đến bất ổn, xung đột, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính trị, chiến lược an ninh, kinh tế - thương mại của nhiều quốc gia cả trong và ngoài khu vực. Tại Đối thoại Shangri La tổ chức tháng 6/2016, Việt Nam khẳng định, lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới. Trong bối cảnh tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với nước này để chống nước khác.
 
4. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH THỔ NHĨ KỲ SAU CUỘC ĐẢO CHÍNH QUÂN SỰ BẤT THÀNH
Đêm ngày 15/7/2016, tại Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, một số tướng lĩnh và sỹ quan quân đội đã tiến hành đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ê-đô-gan. Cuộc đảo chính đã không thành công. Tuy nhiên, hậu quả để lại là rất nặng nề, đã làm 265 người chết, khoảng 1.440 người bị thương và gây ra những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Đảo chính mang đến sự thanh trừng nội bộ: Ngay sau khi dập tắt cuộc đảo chính, Tổng thống Ê-đô-gan tuyên bố đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng và trừng phạt tất cả những người có liên quan tới cuộc đảo chính: bắt giữ gần 3.000 quân nhân và 2.745 thẩm phán, công tố viên; thu hồi giấy phép của 21.738 giáo viên đang làm việc tại một số trường tư nhân, 15.200 nhân viên Bộ giáo dục bị đình chỉ, 1.577 hiệu trưởng trường đại học hoặc chủ nhiệm khoa buộc phải từ chức; sa thải 255 nhân viên thuộc Văn phòng Thủ tướng, 492 giáo sỹ làm việc tại cơ quan quản lý tôn giáo, 399 nhân viên thuộc Bộ Gia đình và Chính sách xã hội; thu hồi giấy phép của 24 công ty phát thanh và truyền hình bị tố cáo có liên quan đến cuộc đảo chính. Chiến dịch trừng phạt khắc nghiệt mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành có thể khiến xã hội Thổ Nhĩ Kỳ bị phân cực ngày càng sâu sắc và chịu sự chi phối ngày càng tăng từ các lực lượng Hồi giáo chính trị.
Vốn đầu tư nước ngoài giảm đi nhanh chóng và tiền tệ trái phiếu chịu sức ép: Năm 2015, đầu tư nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ là 16,5 tỷ USD, chỉ bằng 36% năm 2014. Trong 5 tháng đầu năm 2016, đầu tư nước ngoài chỉ có 2,3 tỷ USD, dự báo sau cuộc đảo chính bất thành thì vốn đầu tư nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giảm.
Quan hệ đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ có sự thay đổi:
- Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga: Sau lời xin lỗi của Tổng thống Ê- đô-gan gửi đến người đồng cấp Nga V.Pu-tin, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sang thăm Nga và hai bên đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Nga sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn khả năng tạo ra một nhà nước độc lập của người Cuốc.
- Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Phương Tây: Trước khi xảy ra cuộc đảo chính, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây tương đối tốt. Theo đó, Mỹ đã sử dụng các căn cứ quân sự In-xơ-linh của Thổ Nhĩ Kỳ để ủng hộ các “lực lượng đối lập ôn hòa” tiến hành cuộc chiến nhằm lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An At-xat. Sau vụ đảo chính lần này, sự nghi kị giữa Tổng thống Ê-đô-gan và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trở nên sâu sắc. Tổng thống Ê-đô-gan cho rằng Mỹ dính líu đến cuộc đảo chính này và yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Gu-len đang tị nạn ở Mỹ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nếu Mỹ không dẫn độ Giáo sĩ Gu-len về Thổ Nhĩ Kỳ thì Mỹ “không thể là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ”.
- Đối với Liên minh châu Âu (EU), sau cuộc đảo chính này, mọi thứ sẽ thay đổi. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Mac-tin Sun-xơ lên án chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trả thù đối với phe đối lập và những người chống đối. EU cảnh báo, việc Tổng thống Ê-đô-gan dự kiến khôi phục án tử hình để tiêu diệt “những kẻ phản quốc” là dấu chấm hết cho quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt đàm phán với EU về vấn đề người di cư.
- Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Xy-ri: Kể từ khi bùng phát “Mùa xuân A-rập” đầu năm 2011 ở Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đứng về phía các lực lượng đối lập đòi lật đổ Tổng thống Xy-ri, ông Ba-sa An Át-xát, và gần đây tham gia Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên đến nay, chính sách đó của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá sản mà hậu quả là Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành tâm điểm tấn công của khủng bố và bị cô lập. Gần đây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại. Do vậy, sau đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại với Xy-ri. Đây là bước ngoặt lớn có tác động thay đổi căn bản cục diện chính trị ở Trung Đông.
  • VĂN BẢN MỚI
Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nghị định gồm 12 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016. Một số nội dung chủ yếu của Nghị định:
- Điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ: (1) Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải bảo đảm một trong các điều kiện: a) Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; b) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá; c) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; (2) Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau: a) Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học; b) Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Nhà ở xa trường khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá; (3) Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.
- Mức hỗ trợ: (1) Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như sau: a) Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; b) Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; c) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; (2) Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ: a) Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: b) Mua sắm bổ sung, sửa chữa …với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; c) Lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; d) Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.
 
 

Nguồn tin: bantuyengiao.cantho.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
dcsvn
dbhcm
vankiendang
tuyengiao vn
gia tri tu tuong ho chi minh la khong the phu nhan
90 NAM TG
gdtd
covid 19
Văn bản mới nhất

Số 25-HD/BTCTW

Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Lượt xem:2818 | lượt tải:605

Số 125-QĐ/TW

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Lượt xem:2013 | lượt tải:156

Số 124-QĐ/TW

Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Lượt xem:2243 | lượt tải:162

Đề cương tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-2022)

Lượt xem:2460 | lượt tải:260
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây