TÀI LIỆU PHỤC VỤ SINH HOẠT CHI BỘ
THÁNG 10 NĂM 2016
A- THÔNG TIN TRONG NƯỚC
1- CHÍNH PHỦ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ và nhiều sự cố xảy ra, song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (lạm phát 8 tháng tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015); tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao (8 tháng ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015); khu vực dịch vụ phát triển mạnh (8 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 6452,4 nghìn lượt người, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015); công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả (8 tháng có 73.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,7% về số doanh nghiệp và tăng 50,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015); an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm;…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn một số hạn chế, khó khăn: Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ (tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 8 tháng năm 2016 ước tính gần 8,7 nghìn tỷ đồng); xuất khẩu tăng thấp; tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gây bức xúc cho người dân; diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá còn lớn (8 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 2990 ha, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước); số hộ, số nhân khẩu thiếu đói tăng (8 tháng tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015)…
Để phấn đấu thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Chính phủ yêu cầu:
Một là, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tư nhân tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các mặt còn hạn chế yếu kém; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; chú trọng khâu tổ chức thực hiện để các chính sách mới đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao với trách nhiệm cao nhất gắn với vai trò người đứng đầu, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nêu tại các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm giải trình trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân nếu các chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực không đạt kế hoạch đề ra.
Hai là, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân và nhân dân tranh thủ thời cơ, khắc phục những khó khăn, thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả. Yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhân dân tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, đúng pháp luật; truyền cảm hứng sáng tạo và khởi nghiệp tới các doanh nhân, các nhà đầu tư, khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước.
Ba là, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, HĐND các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân tăng cường giám sát, tích cực phối hợp, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo luật định. Cơ quan Trung ương, các đoàn thể chỉ đạo tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên cùng quần chúng nhân dân tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
2- TÌNH HÌNH MÔI TRƯỜNG BIỂN MIỀN TRUNG SAU VỤ FORMOSA HÀ TĨNH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Chương trình quan trắc từ tháng 4 đến hết tháng 5 năm 2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đã góp phần quan trọng vào việc xác định nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường và tìm ra thủ phạm buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải nhận lỗi, chấp nhận bồi thường thiệt hại, phục hồi môi trường và xin lỗi Nhân dân và Chính phủ Việt Nam.
Sau sự cố trên, từ tháng 6/2016 đến ngày 11/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường, mức độ suy thoái của các hệ sinh thái và sinh vật biển. Theo kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5/2016), 331 mẫu (tháng 6/2016) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8/2016), đồng thời so sánh, đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam cho thấy diễn biến môi trường biển miền Trung ngày một tốt hơn, cụ thể:
- Về diễn biến chất lượng nước biển: cơ bản các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong giới hạn cho phép. Giá trị các thông số sắt, tổng phenol và xyanua biến động theo chiều hướng giảm dần. Cụ thể, đối với sắt, tháng 6-2016 còn 1,8% (tháng 5 là 3,8%); hàm lượng xyanua tháng 6-2016 cao nhất là 0,002 mg/l (tháng 5 là 0,1 mg/l)...
Qua phân tích thông số quan trắc nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 43:2012/BTNMT- đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
- Về diễn biến chất lượng trầm tích biển: Về cơ bản các thông số được quy định trong quy chuẩn Việt Nam đều có giá trị nằm trong giới hạn. Hàm lượng tổng phenol có xu hướng giảm rõ rệt, đến tháng 6-2016 chỉ còn khoảng 0,35-1,2 mg/kg (tháng 5 là 6-12,5 mg/kg); hàm lượng xyanua đến tháng 6-2016 giảm xuống khoảng 0,11-0,21 mg/kg (tháng 5 là khoảng 0,16-0,3 mg/kg).
- Diễn biến tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt: Hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt ở 9 khu vực được khảo sát đã giảm mạnh trong giai đoạn tháng 6 và 7-2016, dao động trong khoảng 0,32-1,75 ppm (tháng 5 là khoảng 3,80-7,79 ppm). Nhiều nơi hàm lượng phenol đã giảm trên 90% so với tháng 4 và 5-2016 (hòn Sơn Dương, Sơn Chà, Chân Mây, Hải Vân, Thừa Thiên Huế).
- Diễn biến các hệ sinh thái: Trong tháng 4 và 5-2016, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Sinh vật trên rạn san hô rất nghèo nàn, mật độ cá rất thấp... Đến giai đoạn tháng 6 và 7-2016, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng, đã thấy hiện tượng san hô và cá kích thước nhỏ phục hồi tích cực.
- Về chất lượng hải sản đánh bắt: Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4 đến 8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần. Tuy nhiên, cần tiếp tục giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Mặc dù chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển đã dần hồi phục, các chỉ số trong giới hạn cho phép, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh, nhưng sự cố môi trường biển nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân các tỉnh miền Trung. Để sớm ổn định cuộc sống nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về mức độ an toàn của các vùng biển để người dân và các doanh nghiệp yên tâm ra khơi bám biển, ổn định sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản.
Hai là, xây dựng và sớm triển khai đề án thiệt hại, bồi thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, nhất là việc hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ, chính xác, đúng quy định, sát thực tế.
Ba là, tiếp tục giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường biển bị ô nhiễm.
Bốn là, tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng xuyên tạc, kích động biểu tình, gây rối làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung.
3- MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2015 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2016
- Công tác xây dựng ban hành văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ và quy trình, nhiều văn bản đã được ban hành. Các cấp, các ngành đã kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm tài sản nhà nước; sắp xếp, điều chuyển phương tiện, thiết bị làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu, những nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả hơn.
- Việc phân bổ vốn trong đầu tư xây dựng được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các tiêu chí, định mức quy định. Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ từng bước đi vào nền nếp; tình trạng quản lý, sử dụng lãng phí, sai mục đích trụ sở làm việc được chấn chỉnh, khắc phục. Năm 2015, cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với gần 154,7 nghìn cơ sở nhà đất (tăng 1.400 cơ sở so với năm 2014); cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án đối với trên 123,4 nghìn cơ sở. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ bản hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Năm 2015, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính trên 70% tổng diện tích tự nhiên; đã cấp 41,8 triệu Giấy chứng nhận với tổng diện tích hơn 22,9 triệu ha (đạt 94,9% diện tích các loại đất cần cấp và đạt 06,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Năm 2015, toàn ngành Thanh tra đã triển khai gần 250,2 nghìn cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý về tài chính gần 109,9 nghìn tỉ đồng và thu hồi gần 16,5 nghìn ha đất.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 còn một số khuyết điểm, hạn chế: Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn tình trạng vi phạm tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Hiệu quả thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao. Tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm; một số bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa chỉ đạo quyết liệt việc triển khai sắp xếp, cổ phần hóa. Tình trạng vi phạm pháp luật, lãng phí đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi; việc giao, cho thuê và thu hồi đất không đúng quy định vẫn diễn ra; công tác rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường còn chậm. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; vẫn còn không ít cơ quan, tổ chức chậm trễ trong việc tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Phương hướng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội để sử dụng hiệu quả nguồn lực và góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an sinh, xã hội.
- Nhiệm vụ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hạn chế tối đa những lỗ hổng trong thực thi pháp luật nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
4-KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC NĂM HỌC 2015 - 2016 VÀ NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2016 - 2017
- Trong năm 2015 - 2016,việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực: Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã có những điều chỉnh phù hợp hơn, nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12, có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của xã hội: Cả nước có 120 cụm thi, với trên 887,4 nghìn thí sinh đăng ký dự thi; tỉ lệ thí sinh dự thi đạt gần 99%; tổng số đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông là 749.020 thí sinh (đạt tỉ lệ 93%).
- Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo được tăng cường: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục; công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành đạt kết quả bước đầu. So với năm học 2014 - 2015, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học đều tăng trong năm học 2015 - 2016. Uớc chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục và đào tạo năm 2016 đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
- Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên: Tính đến hết năm học 2015 - 2016, cả nước có 50/63 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và trung học cơ sở mức độ 1. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Chất lượng giáo dục đại học có bước chuyển biến tích cực. Nhiều chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận; hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc tiếp tục được củng cố, phát triển về quy mô, mạng lưới, chất lượng từng bước được nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách giáo dục – đào tạo năm 2015 – 2016 còn một số hạn chế, yếu kém: Công tác xây dựng và thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, phát hiện, điều chỉnh, bổ sung chưa kịp thời, theo dõi, kiểm tra việc thực thi các văn bản chưa triệt để. Việc quy hoạch lại hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, trình độ không đồng đều; chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống.
Nhiệm vụ của ngành giáo dục trong năm học 2016-2017: (1) Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục; (2) Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; (3) Đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp; (4) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; (5) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; (6) Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học; (7) Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; (8) Tăng cường cơ sở vật chất; (9) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
B- THÔNG TIN THẾ GIỚI
- QUAN HỆ VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 10 đến 15/9/2016: Chuyến thăm nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước và tiếp tục khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời, thể hiện vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN trong việc thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng ASEAN nói chung và quan hệ ASEAN - Trung Quốc nói riêng. Hai bên tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới; nhất trí cùng nhau thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2015) và chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 11-2015); duy trì gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, khuyến khích các cấp, các ngành của hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi; tích cực phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chất lượng, hiệu quả và bền vững; cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Hai bên đã ký 9 văn kiện hợp tác, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc: “sớm triển khai khoản vay bổ sung trị giá 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến”. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 13 tại Nam Ninh, Quảng Tây và có bài phát biểu quan trọng; tham dự Hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Trung Quốc.
- Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 05 đến 07/9/2016. Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA); ký Thỏa ước tín dụng cho Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và thành phố Cần Thơ, đồng thời nhất trí xem xét khả năng Pháp tham gia vào các “dự án xanh” ở Việt Nam về điện mặt trời, năng lượng tái tạo, cải thiện hệ sinh thái, quy hoạch tổng hợp đa ngành thân thiện với môi trường, xây dựng đô thị thông minh. Pháp cam kết tiếp tục duy trì các kênh viện trợ cho Việt Nam với tư cách là nhà tài trợ song phương. Hai bên ra Tuyên bố chung gồm 19 điểm, trong đó dành riêng điểm 18 cho vấn đề biển Đông: “hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực… Sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12-7-2016, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
2. MỘT SỐ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý THỜI GIAN GẦN ĐÂY
- Tình hình bạo động, khủng bố ở khu vực Đông Nam Á thời gian gần đây:
Trong những năm qua, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực để duy trì hoà bình, ổn định khu vực. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp các vụ bạo động và khủng bố: Tại Thái Lan, từ ngày 11 đến 12/8/2016 đã liên tiếp xảy ra 8 vụ đánh bom tại tỉnh Trang, miền Nam Thái Lan và khu nghỉ dưỡng Hủa Hỉn, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tại In-đô-nê-si-a, tháng 01/2016 đã xảy ra vụ tấn công ở thủ đô Gia-các-ta do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành, làm 8 người thiệt mạng. Ngày 05/8/2016, chính phủ In-đô-nê-si-a đã bắt giữ 6 đối tượng liên quan đến âm mưu tấn công Vịnh Marina (Xinhgapo) bằng rocket từ đảo Batam của Inđônêxia. Tại Ma-lai-xi-a: Tháng 6/2016, một vụ nổ đã xảy ra tại câu lạc bộ đêm ở Puchong (Ma-lai-xi-a) khiến 8 người bị thương. Tháng 7/2016, cảnh sát đã bắt giữ 14 người Ma-lai-xi-a bị tình nghi có liên quan đến IS.
Nhận thức sâu sắc về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố, ngày 10/8/2016, tại Bali, In-đô-nê-si-a đã diễn ra Hội nghị quốc tế về chống khủng bố và Hội nghị cấp cao về chống tài trợ khủng bố. Tại Hội nghị đã công bố bản báo cáo về “Nguy cơ khủng bố tại châu Á” trong đó nhấn mạnh việc hợp tác chống khủng bố trong khu vực cần được nâng lên cấp độ mới.
Đánh giá về tình hình bạo động, khủng bố ở khu vực, Việt Nam nêu rõ: “Các nước ASEAN thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân, nhưng Đông Nam Á cũng đang đối diện với nguy cơ tiềm ẩn, trở thành mục tiêu của khủng bố, bạo lực, cực đoan. Với phương châm chủ động phòng ngừa, không để xảy ra khủng bố, Việt Nam chú trọng và nâng cao năng lực phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, kiểm soát biên giới, cửa khẩu nhằm phát hiện và ngăn chặn các đối tượng khủng bố, nghi khủng bố xâm nhập, ẩn náu và hoạt động thiết lập khủng bố; đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác chống khủng bố các nước”.
- Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 11 Nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức ngày 04 và 05/9/2016 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, sau 2 ngày thảo luận, Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề: Tăng cường điều phối chính sách, sáng tạo phương thức tăng trưởng mới; tìm kiếm cơ chế quản lý kinh tế tài chính toàn cầu hiệu quả hơn; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và thương mại toàn cầu,... ; nhất trí thúc đẩy xây dựng “Lộ trình sáng tạo tăng trưởng G20”; ban hành “Nguyên tắc chỉ đạo đầu tư toàn cầu G20” và “Chiến lược tăng trưởng thương mại toàn cầu G20”; đưa ra kế hoạch hành động nghị trình phát triển bền vững đến năm 2030 nhằm giải quyết căn bản vấn đề thiếu hụt động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Đáng chú ý là, tại Hội nghị này, Trung Quốc và Mỹ đã cùng nộp văn kiện phê chuẩn “Hiệp định Paris” về chống biến đổi khí hậu, tham gia kế hoạch cắt giảm lượng khí thải CO2 đến trước năm 2030. Hy vọng những đồng thuận mà G20 thông qua sẽ là chương trình hành động đối với kinh tế toàn cầu, dẫn dắt con đường tương lai của nền kinh tế thế giới.
3. MỘT SỐ KẾT QUẢ HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 28-29 VÀ 9 HỘI NGHỊ CẤP CAO LIÊN QUAN
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và 9 hội nghị Cấp cao liên quan (Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc Australia; Ấn Độ, Mỹ, Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS)) tổ chức từ ngày 06 đến 08/9/2016 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 với chủ đề “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”. Tại các phiên họp, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về Kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột (chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội); thúc đẩy hợp tác với các đối tác bên ngoài ASEAN; về vấn đề biển Đông, tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp và sự gia tăng các hành động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng; tái khẳng định việc cần tăng cường lòng tin, tiến hành kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC…; ký Tuyên bố về một ASEAN, một ứng phó: ASEAN ứng phó với thảm họa như là một thực thể trong và ngoài khu vực; tiến hành Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Phi-lip-pin trong năm 2017.
Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác đều khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, mong muốn tăng cường hợp tác thực chất và toàn diện với ASEAN thông qua nhiều chương trình, sáng kiến và biện pháp cụ thể. Đáng chú ý là, Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc (lần thứ 19) đạt được nhận thức chung về Biển Đông và thông qua Tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc về thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC; thông qua Bộ quy tắc ứng xử nhanh, tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) và Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo cao cấp của Bộ Ngoại giao các nước trong ASEAN và Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên Biển Đông.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị lần này. Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng các văn kiện cho các hoạt động của ASEAN… đóng góp trách nhiệm chung vào thành công của các hội nghị. Tại tất cả 11 Hội nghị Cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều có phát biểu, chia sẻ các đánh giá và đề xuất các phương hướng và biện pháp thiết thực để làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, cũng như quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ Việt Nam chia sẻ lo ngại sâu sắc của khu vực và quốc tế về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tình hình ở Biển Đông chuyển biến theo hướng có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị mong các đối tác tiếp tục đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
C-VĂN BẢN MỚI
Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị định gồm 14 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016. Một số nội dung chủ yếu của Nghị định:
- Đối tượng áp dụng: Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng ven biển ở Việt Nam.
- Chính sách đầu tư của nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển:
(1) Ngân sách các địa phương bảo đảm kinh phí cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo kế hoạch, dự toán được duyệt và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: a) Thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; b) Tổ chức giao, cho thuê rừng ven biển; c) Hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; d) Tuyên truyền, giáo dục; khuyến lâm; nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, chức năng của rừng ven biển trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đ) Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng ven biển; e) Đầu tư, hỗ trợ kinh phí ngoài mức hỗ trợ và đầu tư từ ngân sách trung ương nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này theo điều kiện thực tế của địa phương.
(2) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển: a) Mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; b) Mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/hécta trong thời gian 5 năm (bình quân 800.000 đồng/hécta/năm); c) Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/hécta, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán.
(3) Ngân sách trung ương đầu tư phát triển rừng ven biển theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, gồm: a) Điều tra, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển; b) Trồng rừng mới, cải tạo rừng ven biển chất lượng kém không có khả năng phục hồi theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán được duyệt với thời gian trồng và chăm sóc 5 năm; c) Khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán được duyệt đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển là rừng tự nhiên chất lượng kém, chưa đủ tiêu chí thành rừng; d) Xây dựng công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi để khôi phục, phát triển rừng ven biển trong các dự án lâm sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đ) Xây dựng các công trình, mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng ven biển; e) Công tác quản lý, kiểm tra, nghiệm thu các dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
(4) Việc lập, thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công.
(Theo nguồn: Tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn)