Sáng ngày 09/12/2020, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: Triển vọng và thách thức” nhằm thu thập ý kiến, đề xuất của các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu dưới 03 góc độ: lý luận, lý thuyết và thực tiễn. Tham dự hội nghị có đồng chí Huỳnh Khắc Điệp - Thành ủy viên, Chánh văn phòng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Phan Thị Bình Thuận - Đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thị Đào - Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương; đồng chí Nguyễn Đức Thịnh - Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Tp. HCM và 150 đại biểu là các chuyên gia, giảng viên, luật sư,... trên địa bàn thành phố; chủ trì có đồng chí PGS.TS.Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường. Với tổng số 34 tham luận gửi về Ban Tổ chức Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo PGS.TS Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã nêu lên vị trí, tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh – đô thị bậc nhất của phía Nam. Chỉ ra những thách thức, cơ hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Trình bày cơ sở cho sự thành lập mô hình thành phố thuộc thành phố ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí đề nghị đại biểu phân tích lý luận, pháp lý, thực tiễn, cơ hội, khó khăn, thách thức của mô hình thành phố thuộc thành phố. Đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa rất lớn, có giá trị cao về mặt khoa học và thực tiễn.
Ngày 16/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM và từ ngày 9 – 12/12, UBTVQH sẽ xem xét thông qua Đề án thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM. Song song với cơ hội và triển vọng phát triển, khi xây dựng và vận hành mô hình, chính quyền và nhân dân TP. HCM sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nào?
Từ ý tưởng đến hiện thực hóa:
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã khiến các đô thị lớn trên thế giới đối mặt với cácnguy cơ quá tải về nhà ở, việc làm, ô nhiễm môi trường, dịch vụ công và đặc biệt là cơ sở hạ tầng vềgiao thông, từ đó, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc giải phóng đô thị và quy hoạch phát triển đô thị.
Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố không phải là một bước đột phá về mặt tư tưởng mà là “một sự lựa chọn” phổ biến ở các quốc gia đô thị hóa cao với tên gọi khác là “thành phố vệ tinh”. Sự thành công rực rỡ của một số khu đô thị nổi bật trên thế giới như: Gangnam thuộc thủ đô Seoul, Hàn Quốc; Navi Mumbai thuộc thành phố Mumbai, Ấn Độ; Đông Thượng Hải thuộc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc là những minh chứng rõ nét cho ưu thế của mô hình này.
Tại Việt Nam, loại đơn vị hành chính “thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương” đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Với đề xuất thành lập TP.Thủ Đức, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hiện thực hóa mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương vào thực tiễn.
Triển vọng đáng mong đợi:
Cụ thể theo đề án, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại ba quận ở phía Đông thành phố gồm: quận 2, quận9 và quậnThủ Đức. Việc thành lập TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là một “cú hích” lớn, tạo động lực tăng trưởng và phát triển cao cho TP.HCM.
Theo quan điểm của, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP.HCM: “Việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”.
Ngoài ra, trong bài tham luận của ông cũng đề cập ý kiến của ông Trương Trung Kiên – Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP.HCM, dưới góc nhìn của một chuyên gia quy hoạch đô thị đã đánh giá: “Việc thành lập TP. Thủ Đức là động lực để TP.HCM phát huy đúng tiềm năng, lợi thế của khu vực phía Đông thành phố và lan tỏa các khu vực lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.”
Nói về đề án, Ông Diệp Văn Sơn – Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ: “TP. Thủ Đức còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm – nơi sẽ đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Như vậy, chỉ trong khu vực này đã có 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành một tam giác phát triển quan trọng.”
Thách thức và những vấn đề cần giải quyết:
Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương mở ra hướng đi mới mang đầy triển vọng lẫn nhiều thách thức và nguy cơ kèm theo nó. Có 02 câu hỏi lớn được đặt ra khi đề án thành lập TP. Thủ Đức được thông qua: Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Thủ Đức và TP. HCM sẽ được gì và mất gì?
Ông Diệp Văn Sơn nhận diện có những thách thức trước mắt như: Giải tỏa đền bù giá cao khi xây dựng cơ sở hạ tầng, thổi giá bất động sản; Thủ Đức là vùng trũng, ngập lụt cao; Tốn nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông thông minh…và thách nhất lớn nhất vẫn là kinh phí.
Bàn về mục đích và ý nghĩa của đề án thành lập TP. Thủ Đức, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm đã đặt ra: “Nếu vẫn để quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức như hiện tại với chính sách khoa học và hợp lý của TP.HCM thì vai trò động lực của khu vực này với mục tiêu là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, có tính tương tác cao có bị mất đi hay không?". Đồng thời, ông cũng chỉ ra điểm bất cập: “Tại sao mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM hiện nay lại thiết kế mô hình chính quyền thành phố thuộc TP.HCM là mô hình cấp chính quyền địa phương (có cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), trong khi các quận là mô hình chính quyền địa phương (không có HĐND mà chỉ có UBND)?”
“Trong bối cảnh Việt Nam đang mạnh mẽ đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào việc xây dựng và hiện đại hóa đô thị và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc thành lập TP. Thủ Đức là một xu thế tất yếu.” – TS. Đặng Tất Dũng – Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ.
Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng cần có sự thống nhất trongcơ chế hành chính để đảm bảo xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả, tăng tính chủ động để phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có. Bên cạnh những thách thức không nhỏ cho thành phố thì với những tiềm năng vượt bậc trong tương lai, việc triển khai mô hình thành phố thuộc thành phố thì TP.HCM vẫn xứng đáng để thử nghiệm.
Tổng kết hội thảo – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm kết luận hội thảo đã nghe 6 bài tham luận và gần 20 ý kiến phát biểu và chủ yếu xuất phát từ góc độ luật thực định. Xét về góc độ pháp luật thực định và phân tích của các học giả, chúng ta ủng hộ với đề án thành lập thành phố Thủ Đức, bên cạnh cơ hội rất nhiều, các học giả đã dự liệu được những thách thức, khó khăn cho việc thành lập thành phố Thủ Đức. Các tham luận, ý kiến của các học giả sẽ được tập hợp gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cuộc hội thảo đã gợi mở rất nhiều nội dung nhưng chỉ là bước đầu làm tiển đề cho các Hội thảo về sau tiếp tục phát triển, khai thác để thúc đẩy thành phố Thủ Đức nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung ngày một phát triển.
Tác giả bài viết: Khánh Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:3177 | lượt tải:680Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Lượt xem:2216 | lượt tải:179Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:2486 | lượt tải:182Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-2022)
Lượt xem:2680 | lượt tải:275