ĐẢNG BỘ KHỐI ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINHTrang tin điện tử Đảng bộ Khối Đại học - Cao đẳng TP.HCM
Hội thảo Khoa học: Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẽ
Thứ hai - 12/10/2020 13:53
Ngày 9/10, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẻ”. Hội thảo khoa học thu hút nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, công ty luật, các luật sự, đại diện các cơ quan nhà nước như Viện Kiểm sát, Tòa án, Thuế…tham dự. Hội thảo có sự tham dự đông đảo của các vị khách mời cũng như giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhận xét, dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong những năm gần đây ở Việt Nam và các nước trên thế giới, mô hình kinh tế chia sẻ giúp chúng ta tận dụng các nguồn lực còn nhàn rỗi; mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh trong mô hình kinh doanh truyền thống và các chủ thể khác có liên quan. Chính vì vây, hy vọng rằng với các vấn đề được trao đổi tại Hội thảo sẽ giúp cho Ban tổ chức và các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài trường có thể tổng hợp được những ý kiến quý giá trong việc nghiên cứu và hoạch định chính sách trong thời gian sắp tới.
Đồng phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, nhận định, vấn đề quan trọng nhất khi điều chỉnh khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ là làm sao để cân bằng giữa thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội.
Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức kỳ vọng có thể giải đáp được 2 vấn đề lớn:
- Vấn đề thứ nhất: phân tích bản chất, đặc điểm đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp.
- Vấn đề thứ hai: thảo luận những vấn đề pháp lý xoay quanh mô hình kinh tế chia sẻ, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện nay có liên quan đến mô hình như các quy định về hợp đồng, thương mại điện tử, cạnh tranh, lao động, thuế, ngân hàng, thương mại quốc tế…
Bàn về mối quan hệ giữa người cung ứng dịch vụ trong quan hệ với nhà cung cấp nền tảng (trung gian), các chuyên gia đặt vấn đề: “Liệu nên quan niệm người cung cấp dịch vụ là cá nhân kinh doanh hay là người lao động dưới sự điều chỉnh của Bộ Luật Lao động?”. Trên thực tế, đối với các loại hình kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay bất kỳ quyền lợi lao động nào.
Trong phần tham luận về “Pháp luật thuế đối với kinh tế chia sẻ”, TS. Phan Phương Nam đề cập phân tích những khó khăn đặt ra từ mô hình kinh tế chia sẻ đến hoạt động quản lý thuế của Nhà nước đồng thời đưa ra các kiến nghị dần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý đặc biệt đối với việc giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Khép lại Hội thảo, các chuyên gia đề xuất cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, theo đó hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp nền tảng.