XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC: HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thứ bảy - 17/09/2022 18:54
Hình Khoa
Hình Khoa

Trải qua gần 20 năm thực hiện 3 chỉ thị (Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày 07/11/2006; Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày 14/5/2011; Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày 15/5/2016) của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc học tập và làm theo Bác, những kết quả đạt được và thực tiễn sinh động của cuộc sống đã khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tất yếu khách quan, có giá trị to lớn đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã dần trở thành một việc làm tự giác, thường xuyên trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cả nước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ Thành phố và các cấp bộ đảng thực hiện hiệu quả với những tấm gương sáng, mô hình hay, cách làm mới. Từ việc học tập và làm theo Bác, những nét đẹp văn hóa trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào con người Thành phố mang tên Bác, tạo thành nét riêng có của người dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Những thành tố trên đã góp phần xây dựng lên không gian văn hóa Hồ Chí Minh với tính chất không chỉ là những không gian vật chất hữu hình mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, mà còn là những phẩm chất, lối sống văn minh, hiện đại, nghĩa tình của người dân Thành phố mang tên Bác.

Hiện nay, những dấu ấn không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện diện ở khắp thành phố, trong đó các trường đại học vốn là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam và cả nước đóng một vị trí quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển.

Xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

* Không gian văn hóa Hồ Chí Minh – Từ ý tưởng đến hiện thực

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 02/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; Kế hoạch số 26-KH/ĐUK ngày 12/11/2021 của Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM về thực hiện Kết luận số 01 và đặc biệt trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh có đề cập đến nội dung “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.

Tại một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ còn là ý tưởng, mà đã trở thành những hiện thực sinh động, lôi cuốn, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong các nhà trường.

Ngày 24/4/2022, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành và đưa vào sử dụng không gian văn hóa Hồ Chí Minh “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo lời Bác”.Không gian trực tuyến “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo lời Bác” được xây dựng nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên, sinh viên về giá trị việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền giáo dục bằng việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bên cạnh đó là việc lan tỏa các gương “Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác” của đơn vị. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo lời Bác” có 3 mảng nội dung chính là “Hành trình theo chân Bác”, “Văn hóa – Nghệ thuật Hồ Chí Minh” và “Học tập và làm theo lời Bác” được cụ thể hóa từ ý tưởng kiến tạo một không gian văn hóa trực tuyến về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang những đặc trưng của Nhà trường sư phạm, góp phần bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của những thầy cô giáo tương lại.

Tại trường Đại học Tài chính – Marketing, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường đã được khánh thành vào ngày 06/6/2022 với ý tưởng và định hướng sẽ trở thành nơi gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để toàn thể đảng viên, viên chức, sinh viên nhà trường cảm nhận, hiểu được sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nơi tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh Tại trường Đại học Tài chính – Marketing có 3 khu triển lãm: Khu vực Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu vực trưng bày những hình ảnh tiêu biểu, những ghi nhận của các lãnh đạo, tuyên dương các tập thể, cá nhân của Trường Đại học Tài chính – Marketing đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Khu vực trưng bày sách mang nhiều giá trị, ý nghĩa về cuộc đời của Bác, các chủ đề năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa trên là một không gian địa lý, mang tính vật chất hữu hình với ý tưởng sẽ trở thành nơi sinh hoạt chuyên đề, chủ điểm, sinh hoạt chi bộ, là không gian kết nạp đảng viên mới và dần trở thành một nét văn hóa học tập của Nhà trường, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Trường Đại học Tài chính - Marketing trở thành cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu trong cả nước và có uy tín trong khu vực về lĩnh vực kinh doanh và quản lý; có cơ cấu và phương thức đào tạo hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Kết hợp các giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Chọn một hướng đi khác, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) đã quyết định liên kết với phường Hiệp Phú, Thành phố Thủ Đức để xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trung tâm học tập cộng đồng của địa phương. Không gian nói trên chính thức được khánh thành vào ngày 05/8/2022 là kết quả của sự phối hợp giữa Đảng ủy - Ủy ban Nhân dân – Đoàn Thanh niên phường Hiệp Phú với Chiến dịch Mùa hè xanh của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trung tâm học tập cộng đồng phường Hiệp Phú là một thiết chế văn hóa quan trọng, là sản phẩm hợp tác giữa khu vực trường học và địa bàn dân cư, giúp nhân dân tại địa phương có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, những nét đẹp văn hóa Hồ Chí Minh có thêm không gian để lan tỏa và tạo ra giá trị cho cuộc sống.

* Một số giải pháp xây dựng, phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là những không gian địa lý hữu hình, không chỉ là những thiết chế văn hóa đơn thuần mà còn là những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được hội tụ và lan tỏa trong không gian thành phố mang tên Bác, thấm nhuần vào mỗi con người từ phong cách tư duy đến lối sống nghĩa tình và những cử chỉ cao thượng, nghĩa hiệp. Từ thực tiễn và nhận thức trên, việc phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường đại học trên địa bàn Thành phồ Hồ Chí Minh cần quan tâm triển khai một số giải pháp như sau:

Một là, cần xác định rõ việc xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là việc làm tự giác, là nhu cầu khách quan để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Hình Khoa
ThS. Đặng Văn Khoa trình bày tham luận tại buổi Toạ đàm Không gian Văn hoá Hồ Chí Minh

Hai là, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường Đại học cần được xây dựng với những hình thức đa dạng, phát huy được những thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi động, đáp ứng được thị hiếu văn hóa, yêu cầu trải nghiệm của tầng lớp trí thức tại các cơ sở giáo dục đại học.

Ba là, với tư cách là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi sáng tạo, lưu giữ và truyền bá những tri thức mới cho xã hội, các trường đại học cần thể hiện vai trò kiến tạo, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại tới cộng đồng thông qua những dự án hợp tác xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với các đơn vị ở địa bàn dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng vũ trang để từ đó có thể phát huy thế mạnh của các bên có liên quan trong việc chung tay xây dựng những giá trị văn hóa đặc trưng của Thành phố mang tên Bác.

Bốn là, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường đại học không chỉ mang lại những giá trị tinh thần mà cần phải được chuyển thành động lực nghiên cứu, học tập, lao động, sáng tạo đối với mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên và chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để xây dựng đất nước. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch hành động cụ thể và khả thi để phát huy giá trị các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở mức cao nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của cả nước. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, lối sống nghĩa tình của người dân Thành phố, nơi đây đã trở thành cái nôi của nhiều mô hình, giải pháp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và được nhân rộng ra cả nước. Việc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra chủ trương “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thể hiện quan điểm nhân văn và phát triển của Đảng bộ và nhân dân Thành phố. 

Trong quá trình xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hơn 60 trường đại học và học viện đứng chân trên địa bàn Thành phố không chỉ là những điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị cao đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn là những đơn vị tiên phong trong quá trình kiến tạo Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng xây dựng văn hóa Hồ Chí Minh trở thành một một nét đặc trưng của đất và người Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh, mãi mãi là nền tảng tư tưởng, nền tảng tinh thần của Nhà nước và xã hội.

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Văn Khoa Chi ủy viên Khoa Giáo dục Quốc phòng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dcsvn
dbhcm
vankiendang
tuyengiao vn
gia tri tu tuong ho chi minh la khong the phu nhan
90 NAM TG
gdtd
covid 19
Văn bản mới nhất

Số 25-HD/BTCTW

Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Lượt xem:3187 | lượt tải:687

Số 125-QĐ/TW

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Lượt xem:2219 | lượt tải:180

Số 124-QĐ/TW

Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Lượt xem:2489 | lượt tải:183

Đề cương tuyên truyền

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-2022)

Lượt xem:2681 | lượt tải:276
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây