Tư tưởng về Xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 31/08/2016 08:37
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Tư tưởng về Xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư tưởng về Xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước lúc đi xa, Người chỉ tiếc một điều là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa"1.Trong bốn năm cuối cuộc đời mặc dù bận nhiều việc nhưng người vẫn chọn những khoảng thời gian thư thái nhất viết Di chúc để lại cho hậu thế, phòng khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột"2.Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Người. Đọc Di chúc, mỗi chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi của một người Ông, người Bác, người Cha và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm cao hơn để thực hiện Di chúc.
Bằng lời lẽ mộc mạc nhưng vô cùng súc tích, Di chúc tuy ngắn gọn nhưng bao chứa toàn bộ tình cảm và tư tưởng của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với các thế hệ Việt Nam. Trong Di chúc, ngoài 79 chữ nói “Về việc riêng” tương ứng với 79 mùa xuân của mình, Người dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. “Trước hết nói về Đảng”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đến vấn đề xây dựng Đảng và xuyên suốt là tư tưởng về tăng cường, củng cố, giữ vững sự đoàn kết thống nhất cội nguồn sức mạnh của Đảng. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người khẳng định sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chỉ trên cơ sở đó trong Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động “triệu người như một” để chiến thắng bất cứ kẻ thù nào, vượt qua bất cứ khó khăn trở ngại nào.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nhờ đoàn kết chặt chẽ mà mới tròn một tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên cao trào cách mạng 1930-1931; 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhờ đoàn kết, thống nhất mà Đảng đã tập hợp được lực lượng, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc và thời đại vào cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm, đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Cũng chính nhờ sự đoàn kết, thống nhất ấy mà hơn hai mươi năm qua, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi sự nghiệp Đổi mới.
Hệ giá trị của Đảng và dân tộc ta được hun đúc, kết tinh từ nhiều truyền thống tốt đẹp: Yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cần cù lao động… Trong Di chúc, Người xác định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của cả dân tộc ta”Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng được Hồ Chí Minh so sánh với “con ngươi” trong đôi mắt. Đối với mỗi người, không giữ được con ngươi thì đôi mắt sẽ hỏng, nhận thức và hành động sẽ khó khăn, kém hiệu quả. Đối với Đảng, không có sự đoàn kết, thống nhất thì Đảng sẽ không đủ năng lực, trí tuệ lãnh đạo nhân dân. Do đó, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Di chúc của Người không những chỉ cho chúng ta thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của sự đoàn kết, tính tất yếu của việc giữ gìn, củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn chỉ ra những nguyên tắc quan trọng, hiệu quả nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất đó: “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất của Đảng theo Di chúc của Người, chúng ta phải thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, phải thực hành dân chủ rộng rãi. Nhờ dân chủ mà Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Nhờ dân chủ mà trong Đảng đã khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Thực hành dân chủ rộng rãi nghĩa là phải dân chủ thực sự, dân chủ thường xuyên, dân chủ từ Trung ương đến cơ sở. Nhưng, dân chủ phải gắn với tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn và cũng là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng ta. Bảy mươi chín năm qua, nhờ quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ mà Đảng ta không ngừng lớn mạnh, vượt qua bao thử thách, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng, bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN và đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện trong thực hành dân chủ hình thức. Lợi dụng dân chủ để truyền bá những quan điểm, tư tưởng cá nhân, xâm hại đến lợi ích chung, gây mất đoàn kết trong Đảng, trong xã hội.
Thứ hai, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức. Người hiểu rõ, đã là con người thì ít, nhiều đều có khuyết điểm, nhưng quan trọng là phải nhận rõ khuyết điểm, không được che giấu khuyết điểm, tự phê bình để sửa chữa, khắc phục, vươn lên tự chiến thắng thói hư tật xấu của mình. Đối với đồng chí, đồng đội, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải phê bình một cách thẳng thắn, chân thành nhằm giúp đồng chí, đồng đội nhận rõ sai lầm, sửa chữa để không ngừng tiến bộ. Như vậy, mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho bản thân và đồng đội ngày càng tiến bộ hơn; tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên; ngừng tự phê bình và phê bình tức là ngừng tiến bộ, là thoái bộ. Từ ngày thành lập đến nay, đặc biệt trong 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn lấy tự phê bình và phê bình làm nguyên tắc xây dựng và phát triển Đảng. Tuy nhiên, cũng còn không ít cơ sở, đảng viên thực hiện nguyên tắc này chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc, thậm chí còn để những kẻ cơ hội chui vào hàng ngũ của Đảng mưu cầu lợi ích cá nhân. Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, thực hiện triệt để hơn vấn đề này để Đảng luôn trong sạch, làm cho uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao.
Thứ ba, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được “dân chủ rộng rãi”, mới “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc hoặc lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.
Năm tháng qua đi nhưng bản Di chúc của Người sẽ còn sống mãi, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến lên. Kính yêu và biết ơn Người, 40 năm qua chúng ta đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương vĩ đại của Người, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm theo Di chúc của Người.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Nxb CTQG, H.2002, tr.512.
(2) Sđd, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2002, tr.510.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dcsvn
dbhcm
vankiendang
tuyengiao vn
gia tri tu tuong ho chi minh la khong the phu nhan
90 NAM TG
gdtd
covid 19
Văn bản mới nhất

De cuong tuyen truyen

Đề cương tuyên truyền Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Lượt xem:29 | lượt tải:15

Số 25-HD/BTCTW

Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Lượt xem:3240 | lượt tải:705

Số 125-QĐ/TW

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Lượt xem:2236 | lượt tải:188

Số 124-QĐ/TW

Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Lượt xem:2508 | lượt tải:188
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây