Học tập lý luận chính trị là một việc làm cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy lý luận của con người. Học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nghĩa vụ và là biện pháp nhằm nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên. V.I.Lênin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Bác Hồ cũng chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế... Trong tư duy của Hồ Chí Minh, lý luận bao giờ cũng gắn với thực tiễn, lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với nhau, không tách rời nhau. Cụ thể, theo Hồ Chí Minh lý luận là xuất phát từ thực tiễn và phải được ứng dụng vào trong thực tiễn, nếu lý luận không được áp dụng vào trong thực tế, không được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh thì nó sẽ trở thành lý luận suông, lý luận đơn thuần, lý luận của lý luận. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin". Thấm nhuần tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3, học viên lớp cao cấp lý luận chính trị C60 của Thành uỷ TPHCM – học tại Học viện Chính trị khu vực II đã có buổi tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống tại huyện Hóc Môn.
Đoàn đã cùng lãnh đạo huyện, các xã, thị trấn cùng dâng hương, dâng hoa và tham quan các di tích lịch sử cấp thành phố, cấp quốc gia trên địa bàn huyện Hóc Môn – một huyện đang vươn mình phát triển mạnh mẽ cùng Thành phố Hồ Chí Minh; với những nét văn hóa đặc sắc, truyền thống yêu nước cách mạng và nhiều di tích văn hóa lịch sử của cha anh đi trước. Nói đến quê hương Hóc Môn- Bà Điểm, người ta thường nghĩ ngay về vùng đất 18 thôn Vườn Trầu năm xưa, hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng từ bao đời nay, đã sản sinh ra nhiều lớp người con ưu tú, trọn đời hy sinh vì dân, vì nước, được nhân dân cả nước biết đến như: Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn, Nguyễn An Ninh, Nguyễn An Khương, Bùi Văn Ngữ, Bùi Văn Thủ, Phan văn Đối, Phan văn Nối, Nguyễn Thị Sóc, Trịnh Thị Miếng, Nguyễn Văn Bứa, Trần Văn Danh, Tô Ký, Hồ Thị Bi…
Trong nhiều di tích văn hóa lịch sử của Hóc Môn, đoàn đã tìm hiểu 2 di tích cấp Quốc gia là Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng ở xã Xuân Thới Thượng, Bảo tàng Hóc Môn - cạnh trụ sở UBND huyện hiện nay và Nhà di tích Xuân Thới Đông xã Xuân Thới Đông - nơi phát lệnh Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Di tích Dinh Quận là nơi ghi dấu khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu năm 1885 do Phan Công Hớn lãnh đạo, và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23-11-1940). Công trình do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1861. Sau cuộc khởi nghĩa này, Pháp cho sửa chữa lại dinh quận trên cơ sở cấu trúc cũ. Sau ngày 30-4-1975, địa điểm này trở thành trụ sở Ủy ban quân quản, sau đó là UBND huyện Hóc Môn và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.
Đoàn cũng dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9/1940 - hội nghị vạch ra đường hướng Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngôi nhà này được Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồi hiến cho nhà nước năm 1990.
Tại đây, tập thể Lớp cao cấp lý luận chính trị C60 đã hỗ trợ trùng tu di tích lịch sử Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ với số tiền 60 triệu đồng.
Sau khi dâng hương, dâng hoa, đoàn được nghe giới thiệu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng – nơi từng là trường bắn thứ ba mà thực dân Pháp dựng lên để sát hại những người cộng sản yêu nước như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu và các đồng bào, chiến sĩ..., nay được tôn tạo với diện tích rộng 73.000m2, có khuôn viên xanh, với hơn 800 cây cau, 5.000 nọc trầu, tái hiện 18 thôn Vườn Trầu năm xưa, cùng với giàn bầu, hồ sen khoe sắc... Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng mỗi năm đón hơn 60.000 khách tham quan. Với ý nghĩa lịch sử và cách phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp, nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc cho các hoạt động truyền thống, về nguồn, kết nạp Đảng viên mới, hội trại truyền thống...
Ngoài việc tìm hiểu lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc từng in dấu trên quê hương 18 thôn Vườn Trầu. của Hóc Môn, đoàn cũng tìm hiểu tình hình kinh tế, văn hoá của địa phương như tham quan phục dựng 18 thôn vườn trầu, văn hoá ẩm thực.
Chuyến đi đã mang lại nhiều ý nghĩa thực tế cho học viên, từ truyền thống lịch sử, đến giá trị của việc phát huy lịch sử vào phát triển kinh tế địa phương. Ngoài việc gắn liền lý luận với thực tiễn lịch sử, học viên còn có thêm cơ hội để thắt chặt tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau.
Tác giả bài viết: Kiên Cường
Nguồn tin: Tài liệu tham khảo (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011; (2) Mai Hoa, Báo SGGP, https://www.sggp.org.vn/gia-tri-lich-su-truyen-thong-hoc-mon-vao-bai-hoc-lop-cao-cap-chinh-tri-721377.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đề cương tuyên truyền Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Lượt xem:85 | lượt tải:25Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:3283 | lượt tải:715Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Lượt xem:2266 | lượt tải:191Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:2531 | lượt tải:192