Sáng ngày 30/7/2021, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020”.
Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (riêng khoản 3 Điều 29 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021). Hội thảo tập trung trao đổi, bình luận những nội dung mới trong đạo luật này liên quan đến việc sửa đổi những quy định còn bất cập, hạn chế trước đó và nhiều quy định mới mang tính đột phá nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động bảo vệ các thành phần môi trường.
Trình bày tham luận về giấy phép môi trường (GPMT) trong Luật BVMT năm 2020, TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường cho biết đây là nội dung mới được bổ sung nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thủ tục của nhiều công cụ quản lý mang tính cấp phép dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, gây khó khăn, phát sinh chi phí và thời gian của chủ đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. TS.Tín cũng đề xuất các kiến nghị để có thể thực hiện tốt và áp dụng hiệu quả trên thực tiễn như sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, bổ sung hành vi vi phạm về GPMT, đồng thời cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 dưới dạng Nghị định và có nội dung về GPMT…
Hai vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại về môi trường và quản lý chất thải nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các chuyên gia tham gia Hội thảo. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, khoa Luật Thương mại đánh giá quy định về hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại (BTTH) về môi trường là một điểm mới nổi bật. ThS. Lan nêu quan điểm, trên thực tế hầu hết các tranh chấp về BTTH về môi trường người dân đều cần đến sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại thực tế; người bị thiệt hại thực tế chủ yếu là nông dân, ngư dân… yếu thế hơn so với chủ thể gây thiệt hại phần lớn là các doanh nghiệp có điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất. Xuất phát từ tính chất phức tạp và tinh vi của hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí hậu quả do những hành vi này gây ra có thể diễn ra từ từ và sau một thời gian dài sự thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp của người dân mới biểu hiện ra bên ngoài nên việc chứng minh mối quan hệ nhân quả lại càng khó khăn.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cho rằng đây là một sự thay đổi tiến bộ và phù hợp. Tuy nhiên PGS cũng đặt ra vấn đề cần làm rõ nghĩa vụ chứng minh của bên gây thiệt hại, cụ thể bên gây thiệt hại cần chứng minh không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra.
Vấn đề về thu gom chất thải rắn sinh hoạt cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các giảng viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia. Về quy định liên quan đến chất thải nguy hại, ThS.Trần Linh Huân cho biết, ngoài cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển, Luật BVMT 2020 đã bổ sung thêm chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại. Một điểm mới đặc biệt mà ThS.Huân đưa ra là sự bổ sung, ghi nhận thêm “mùi khó chịu” là đối tượng phải thực hiện quản lý và kiểm soát theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường.
Phiên thứ hai của Hội thảo, những tham luận còn lại về tín dụng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và thị trường carbon được đưa ra trình bày, thảo luận. Đây đều là những vấn đề hiện đang rất được quan tâm trong bối cảnh biến đối khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt.
Hội thảo “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020” do khoa Luật Thương mại tổ chức đã góp phần tạo ra một diễn đàn cho việc nghiên cứu, trao đổi, thảo luận… một số quy định mới của đạo luật này. Đây là hoạt động nghiên cứu nằm trong kế hoạch tăng cường tổ chức các hội thảo theo hình thức trực tuyến mà trường Đại học Luật TP.HCM triển khai thực hiện trong thời gian giãn cách nhằm bảo vệ sức khỏe của viên chức, người lao động và người học đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên.
Tác giả bài viết: Khánh Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:3177 | lượt tải:680Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Lượt xem:2216 | lượt tải:179Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị
Lượt xem:2487 | lượt tải:182Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-2022)
Lượt xem:2680 | lượt tải:275